Ngực bao xơ là một trong những biến chứng không mong muốn xảy ra sau khi nâng ngực. Khi bị bao xơ ngực sẽ có dấu hiệu đau nhức, cứng ngực, biến dạng. Trong bài viết dưới đây, Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về nguyên nhân và cách xử lý khi bị bao xơ để mọi người tham khảo.
Bao xơ ngực là như thế nào?
Bao xơ ngực là một biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn. Đây là phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể khi nhận diện vật liệu lạ (túi độn) và hình thành một lớp màng bao bọc xung quanh túi. Thông thường, lớp bao xơ này mỏng, mềm và không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lớp bao xơ này có thể dày lên, co rút lại và gây ra tình trạng co thắt bao xơ.
Các cấp độ của co thắt bao xơ:
- Độ 1: Bao xơ mỏng, ngực mềm mại, không có triệu chứng.
- Độ 2: Bao xơ dày hơn, ngực hơi cứng, có thể sờ thấy túi độn.
- Độ 3: Bao xơ dày, ngực cứng, biến dạng, có thể gây đau.
- Độ 4: Bao xơ rất dày, ngực rất cứng, biến dạng nghiêm trọng, gây đau nhiều.
Dấu hiệu ngực bao xơ
Nâng ngực sau bao lâu thì bị bao xơ? Thời gian xuất hiện bao xơ ở mỗi người sẽ khác nhau, có thể xuất hiện sớm trong vòng vài tháng sau phẫu thuật hoặc vài năm sau phẫu thuật. Thông thường, các trường hợp co thắt bao xơ xảy ra trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi nâng ngực. Khi bao xơ co thắt, nó sẽ gây ra một số dấu hiệu nhận biết sau:
- Ngực trở nên cứng hơn: Ngực trở nên cứng hơn bình thường, đặc biệt là khi sờ nắn. Cảm giác như có một khối cứng xung quanh túi độn.
- Thay đổi về hình dáng của ngực: Ngực bị biến dạng, méo mó, không còn giữ được hình dáng tự nhiên. Túi độn bị co kéo, lệch lạc, hoặc di chuyển lên trên, xuống dưới, hoặc sang hai bên. Ngực có thể bị co rút, nhăn nheo, hoặc xuất hiện các nếp gấp.
- Đau nhức: Ngực bị đau nhức, khó chịu, đặc biệt là khi vận động hoặc chạm vào. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, tùy thuộc vào mức độ co thắt bao xơ.
- Thay đổi về cảm giác: Ngực có thể bị tê bì, mất cảm giác, hoặc có cảm giác châm chích.
- Sưng tấy: Sưng đỏ da vùng ngực. Tăng nhiệt độ vùng ngực.
- Khó thở: Trong trường hợp co thắt bao xơ nghiêm trọng sẽ gây ra triệu chứng khó thở.
Nguyên nhân tại sao bị bao xơ ngực
Có nhiều nguyên nhân gây bao xơ ngực, nên nếu hiểu được tác nhân này thì mọi người có thể hạn chế được tốt hơn.
- Phản ứng của cơ thể với vật liệu cấy ghép: Khi một vật thể lạ (túi ngực) được đưa vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tạo ra một lớp mô sẹo xung quanh nó để cô lập vật thể đó. Trong một số trường hợp, lớp mô sẹo này có thể co lại và cứng lại, gây ra bao xơ.
- Kỹ thuật phẫu thuật: Kỹ thuật phẫu thuật không chính xác, chẳng hạn như tạo khoang đặt túi quá nhỏ hoặc không đúng vị trí, có thể làm tăng nguy cơ bao xơ. Thao tác phẫu thuật thô bạo làm tổn thương mô, tăng nguy cơ tụ máu, nhiễm trùng và hình thành sẹo xơ
- Chất lượng túi ngực: Chất lượng của túi ngực cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bao xơ. Một số loại túi ngực có bề mặt nhám được cho là có nguy cơ gây bao xơ cao hơn so với túi ngực có bề mặt trơn.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng sau phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ bao xơ.
- Cơ địa: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn, sẹo lồi, hoặc phản ứng mạnh với vật liệu cấy ghép có nguy cơ cao hơn. Cơ địa dễ hình thành mô sẹo sau chấn thương hoặc phẫu thuật cũng làm tăng nguy cơ
- Chăm sóc sai cách sau khi nâng ngực: Vận động mạnh sớm sau mổ gây áp lực lên vùng ngực, cản trở quá trình lành thương tự nhiên. Hút thuốc lá làm chậm lành vết thương, tạo điều kiện cho sẹo xơ phát triển
Ngực bị bao xơ phải làm sao?
Bác sĩ sẽ đưa ra phương án xử lý phù hợp tùy vào mức độ co thắt và tình trạng túi độn. Nếu các mô sẹo chỉ mới hình thành, mức độ bao xơ nhẹ (cấp 1, 2) thì có thể thực hiện các phương pháp sau để làm giảm tình trạng bao xơ mà không cần can thiệp phẫu thuật: Siêu âm; Massage tích cực giúp nới lỏng các sợi collagen và trì hoãn sự hình thành các mô sẹo; Sử dụng thuốc để ngăn chặn sự tiến triển của co thắt bao xơ và làm mềm mô sẹo xung quanh túi độn.
Đối với các cấp độ bao xơ nghiêm trọng hơn (cấp 3, 4) bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn bao xơ.
- Phẫu thuật mở bao xơ (Capsulotomy): Dành cho trường hợp bao xơ nhẹ, túi độn vẫn nguyên vẹn. Bác sĩ sẽ rạch một đường ngay tại vết mổ cũ, tiếp cận và thực hiện cắt mở bao xơ hoặc loại bỏ một phần bao xơ. Kỹ thuật này làm giảm tình trạng bao xơ nhưng tỷ lệ tái phát khá cao.
- Phẫu thuật cắt bỏ bao xơ, túi độn và đặt túi nâng mới (Capsulectomy): Phương án này sẽ giải quyết hoàn toàn nguyên nhân gây ra bao xơ. Tuy nhiên, việc đưa túi độn ra ngoài và đặt túi mới sẽ khiến vòng 1 bị xâm lấn và chịu nhiều tổn thương hơn so với phương pháp trên.
- Phẫu thuật cắt bỏ bao xơ, cấy mỡ tự thân: Túi độn cũ và bao xơ sẽ được loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó bầu ngực sẽ được tái định hình bằng cách cấy mỡ tự thân. Đây là phương pháp tối ưu giúp vòng 1 mềm mại, tự nhiên, không tái phát co thắt bao xơ.
Cách để hạn chế tình trạng bao xơ ngực
Bao xơ túi ngực là tình trạng thường gặp ở nhiều người người, nhưng nếu chú trọng vào các lưu ý sau thì sẽ góp phần làm giảm thiểu nguy cơ bị co thắt bao xơ ngực.
Lựa chọn vị trí đặt túi ngực
Đặt túi ngực ở dưới cơ ngực sẽ hạn chế tình trạng bao xơ, vì vị trí này sẽ nhận được nhiều tác động tích cực từ các nhóm cơ ngực trong quá trình vận động cánh tay, giúp túi ngực được xoa bóp thường xuyên. Từ đó giảm tỷ lệ bao xơ.
Áp dụng kỹ thuật nâng ngực không chạm
Nâng ngực không chạm sử dụng phễu Keller chuyên dụng để đưa túi ngực vào bên trong khoang ngực sẽ giúp hạn chế ma sát và sự tiếp xúc trực tiếp của tay với chất liệu độn, giúp quá trình nâng ngực diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn, đồng thời giảm nguy cơ bị bao xơ ngực.
Chọn túi ngực phù hợp
Túi ngực có bề mặt nhám sẽ bám vào khoang ngực tốt hơn, ít di chuyển hơn túi trơn nên được cho là có khả năng giảm nguy cơ bao xơ hơn so với túi ngực bề mặt trơn. Kích thước túi ngực cũng cần phù hợp với cơ thể để tránh tạo áp lực quá lớn lên mô ngực.
Chăm sóc hậu phẫu đúng cách
Tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc, thay băng và vệ sinh vết mổ. Tránh vận động mạnh, đặc biệt là các hoạt động tác động đến vùng ngực, trong thời gian đầu sau phẫu thuật. Massage ngực theo chỉ dẫn của bác sĩ giúp làm mềm mô và giảm nguy cơ co thắt bao xơ.
Kiểm tra định kỳ
Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng ngực và phát hiện sớm các dấu hiệu của bao xơ ngực. Đồng thời hạn chế được các nguy cơ rủi ro khác như viêm nhiễm, lệch túi,…
Hy vọng với bài viết chia sẻ về bao xơ ngực vừa rồi đã giúp mọi người có thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Ngoài ra, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về dịch vụ nâng ngực, vui lòng liên hệ trực tiếp tới hotline 1900.1920 của Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc để nghe các chuyên viên tư vấn chi tiết.
➤ Dịch vụ này chỉ áp dụng thực hiện tại Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc - 1B Yết Kiêu – Hà Nội.